Giá vàng lập đỉnh mới sau khi hủy đấu thầu

https://thanhnien.vn/gia-vang-lap-dinh-moi-sau-khi-huy-dau-thau-185240426223347095.htm
27/04/2024 08:13 GMT+7

Giá vàng miếng lập mức kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay sau khi các phiên đấu thầu liên tiếp bị hủy.

Giá tăng phi mã

Ngày 26.4, giá vàng miếng SJC tăng 800.000 đến 1 triệu đồng mỗi lượng, trong đó giá mua vào có xu hướng tăng nhanh hơn. Mức giá bán vàng miếng cao kỷ lục lên 85,2 triệu đồng thuộc về Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, còn giá mua vào lên 83 triệu đồng. Công ty Phú Quý cũng có giá bán vàng ở mức 85,2 triệu đồng, chiều mua vào lên 83,2 triệu đồng. Tập đoàn Doji có mức tăng chậm hơn, mua vào lên 82,6 triệu đồng, bán ra 84,8 triệu đồng… Còn vàng nhẫn cũng tăng từ 700.000 đến 1 triệu đồng mỗi lượng, Tập đoàn Doji mua vào lên 74,75 triệu đồng, bán ra 76,4 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 74,48 triệu đồng, bán ra 76,08 triệu đồng; Công ty SJC mua vào 73,7 triệu đồng, bán ra 75,4 triệu đồng…

Giá vàng miếng SJC lập kỷ lục mới ở 85,2 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC lập kỷ lục mới ở 85,2 triệu đồng/lượng

Ngọc Thắng

Tốc độ tăng giá nhanh khiến vàng miếng SJC đắt hơn quốc tế lên hơn 13 triệu đồng/lượng thay vì chỉ 11 – 12 triệu đồng/lượng trước đó, còn vàng nhẫn cao hơn 3,3 triệu đồng/lượng. Giá kim loại quý trên thị trường thế giới tăng 10 USD/ounce, lên 2.347 USD/ounce. Điều đáng nói, giá vàng thế giới hiện thấp hơn mức giá kỷ lục 100 USD/ounce, ở mức 2.431 USD/ounce vào giữa tháng 4 nhưng giá vàng miếng SJC lại lập đỉnh mới.

Đại diện công ty kinh doanh vàng cho biết nhu cầu mua vàng trong ngày 26.4 tiếp tục tăng cao, trong khi nguồn cung trên thị trường lại không có. Sau thông tin buổi đấu thầu vàng bị hủy vào ngày 25.4, một số đơn vị có vàng không vội bán ra trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. Chính vì cung – cầu mất cân đối nên giá trong nước tăng nhanh. Qua 3 phiên đấu thầu khối lượng 50.400 lượng vàng nhưng chỉ cung ứng ra thị trường 3.400 lượng khi có 2 đơn vị trúng thầu. Lượng vàng này chưa đến 8% khối lượng đấu thầu. Hơn nữa, giá đấu thầu ở mức cao 82,76 triệu đồng/lượng nên buộc giá mua vào của các đơn vị trên thị trường sau đó phải tăng lên. Trước thời điểm đấu thầu ngày 23.4, giá mua vào xuống dưới 80 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 82,3 triệu đồng/lượng. Thế nhưng sau khi thực hiện đấu thầu, giá vàng không ngừng biến động, xáo trộn theo xu hướng tăng lên từ 2,9 – 3,2 triệu đồng mỗi lượng mấy ngày qua, trong đó giá mua vào tăng nhanh hơn. Từ mức đắt hơn thế giới 11,3 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC nay cao hơn 13 triệu đồng/lượng. Ai cũng nghĩ sau khi đấu thầu, giá trong nước sẽ giảm nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Đấu thầu không hiệu quả

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét: Trong 1 tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra 3 phiên đấu thầu, cho thấy sự quyết liệt của nhà điều hành trong việc tăng nguồn cung vàng nhưng xem ra không hiệu quả vì giá đấu thầu cao. “Nếu có tổ chức 10 phiên đấu thầu, bán 1 triệu lượng vàng, mà giá đấu đưa ra cao thì ngân hàng, doanh nghiệp cũng không mua. Họ là những đơn vị kinh doanh chứ không làm từ thiện. Hơn nữa, với giá đấu thầu cao cũng đừng nghĩ kéo được giá vàng xuống mà ngược lại, giá sẽ tăng lên. Doanh nghiệp, ngân hàng mua giá đấu thầu gần 83 triệu đồng/lượng mà bảo họ bán thấp hơn mức này thì ai mà đấu. Mục tiêu đấu thầu vàng nhắm đến kéo giá chênh lệch trong và ngoài nước bám sát nhau. Do đó, muốn giá trong nước giảm thì giá thầu mà NHNN đưa ra phải thấp hơn giá mua của các đơn vị kinh doanh vài triệu đồng mỗi lượng. Thay vì giá mua của các đơn vị là 83 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 80 triệu đồng hay 75 – 76 triệu đồng/lượng, đảm bảo các đơn vị tranh nhau mua”, ông Huân nói.

TS Nguyễn Hữu Huân dự báo trong vài ngày tới, giá vàng trong nước cũng sẽ ở mức cao khi nguồn cung trên thị trường không có. Tuy nhiên, NHNN cũng tiến thoái lưỡng nan vì nhập vàng về sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá. Trong khi các giải pháp hiện nay đang ưu tiên bình ổn tỷ giá vì nhu cầu ngoại tệ tăng cao. Khi nào tỷ giá ổn định thì có khả năng những phiên đấu thầu vàng sắp tới mới hiệu quả.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đấu thầu vàng có tác dụng ngược lên thị trường. Việc đưa giá đấu thầu quá cao cho thấy có vẻ NHNN đang lúng túng. Không thể để tình trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới nên mới tổ chức đấu thầu nhưng đấu xong thì giá trong nước lại tăng mức đắt đỏ hơn. “Nếu NHNN hạ thấp giá đấu thầu so với giá thị trường, ví dụ giá thị trường 80 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 79 triệu đồng/lượng thì lại khó. Thành viên tham gia trúng thầu mua giá 79 triệu đồng/lượng thì cũng bán ra 80 triệu đồng/lượng, không giải quyết được việc kéo giá xuống. Ngược lại, thị trường lại xác lập mặt bằng giá sàn, khó có thể giảm sâu xuống dưới mức giá 79 triệu đồng/lượng trong trường hợp giá thế giới đi xuống. Xem ra giải pháp đấu thầu hiện nay đang có tác dụng ngược, làm cho giá trên thị trường tăng lên mức kỷ lục mới trong mấy ngày nay”, ông Tú phân tích. Một nguyên nhân nữa là khối lượng trúng thầu tối thiểu 1.400 lượng (tương đương hơn 110 tỉ đồng) trong khi mỗi ngày các doanh nghiệp chỉ bán ra vài trăm lượng thì ngoài rủi ro biến động giá, thành viên trúng thầu còn phải chịu thêm chi phí tài chính trong trường hợp vay vốn mua vàng.

“Chi phí này cộng thêm vào giá thì làm sao giá bán ra trên thị trường có thể đi xuống? Giải pháp đấu thầu vàng giá cao chưa sát với thực tế nên cần có giải pháp phù hợp hơn. Cần điều chỉnh giá thầu xuống để tăng cung vàng ra thị trường. Còn biện pháp căn cơ nhất là sửa, thay thế Nghị định 24/2012 về quản lý vàng. Cho phép một số doanh nghiệp, ngân hàng được nhập khẩu vàng nguyên liệu, từ đó có thể giúp giá thông thủy với thế giới. Đồng thời xóa bỏ độc quyền vàng, vốn làm cho thị trường méo mó như thời gian qua, thị trường có thêm các thương hiệu vàng khác tham gia”, ông Tú kiến nghị.

Thị trường vàng sôi động nhưng thất thu thuế

Cần xem xét thuế đối với kinh doanh vàng bạc hiện rất bất hợp lý. Đơn cử, phương pháp trực tiếp, giá bán trừ giá mua, phần chênh lệch này nhân với thuế suất. Trong khi đó, giá mua đầu vào khó có thể nắm được nên nhiều khi bán cả vài trăm, đến vài ngàn lượng nhưng nộp thuế rất ít. Đó là chưa kể cá nhân kinh doanh thương mại điện tử có doanh thu năm 100 triệu đồng thì nộp thuế nhưng cá nhân mua bán 10 lượng vàng, tương đương hơn 800 triệu đồng thì không phải đóng thuế. Dẫn đến thị trường vàng sôi động nhưng thất thu thuế, không thu thuế được nhiều so với quy mô.

TS Nguyễn Ngọc Tú

Leave a comment