‘Bất đồng’ trong tỷ lệ mua điện khí, EVN kiến nghị Thủ tướng quyết định

https://thanhnien.vn/bat-dong-trong-ty-le-mua-dien-khi-evn-kien-nghi-thu-tuong-quyet-dinh-185240422205255049.htm
22/04/2024 21:06 GMT+7

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn đối với dự án điện khí là 65%, trong khi chủ đầu tư mong muốn 72 – 90%. Còn Bộ Công thương trong dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện khí đề xuất Chính phủ quy định ở mức 70%.

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu và một số nội dung chính áp dụng trong hợp đồng mua bán điện đang được Bộ Công thương lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp…

Đàm phán mua bán điện khí vẫn bế tắc do chưa thống nhất được tỷ lệ cam kết mua điện từ các nhà máy

Đàm phán mua bán điện khí vẫn bế tắc do chưa thống nhất được tỷ lệ cam kết mua điện từ các nhà máy

P.H

Nhưng nhìn từ văn bản EVN gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 12.4 kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển điện khí theo Quy hoạch điện VIII, giữa EVN, Bộ Công thương, chủ đầu tư các dự án điện khí chưa thống nhất về tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn.

Cụ thể, theo dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện khí, Chính phủ quy định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn ở mức tối thiểu bằng 70% trong thời gian trả nợ của dự án nhà máy điện, nhưng không quá 7 năm. Quy định này nhằm đảm bảo khả thi trong việc thu hút đầu tư, tránh tác động mạnh lên giá bán lẻ, cũng như đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng với các loại hình nguồn điện khác trên thị trường điện.

EVN cho biết, tập đoàn này nhận được hồ sơ chuẩn bị đàm phán mua bán điện đối với 4 dự án: Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, Hiệp Phước, Bạc Liêu. Trong đó, EVN đang đàm phán hợp đồng mua bán điện với Dự án Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 nhưng vướng mắc chính hiện nay là chưa thống nhất mức cam kết mua sản lượng điện từ các nhà máy này.

Do giá thị trường điện không ổn định, trong quá trình đàm phán mua bán điện, các chủ đầu tư dự án điện khí LNG luôn đề nghị EVN thống nhất tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn ở mức từ 72 – 90% trong toàn bộ thời hạn hợp đồng.

Nhưng theo EVN, do LNG là loại hình nhiên liệu có giá thành cao (giá LNG nhập khẩu về đến cảng của Việt Nam hiện ở mức 12 – 14 USD/triệu BTU). Do đó, giá thành phát điện của các nhà máy điện khí sử dụng nhiên liệu LNG sẽ ở mức 2.400 – 2.800 đồng/kWh, cao hơn nhiều so với giá thành phát điện của các loại hình nguồn điện hiện hữu khác trong hệ thống.

Ngoài ra, để thực hiện theo Quy hoạch điện 8, dự kiến đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện khí LNG chiếm khoảng 15% tổng công suất nguồn điện quốc gia. Theo đó, giá thành phát điện cao, độ biến động lớn cùng yêu cầu cam kết sản lượng dài hạn như trên, chi phí mua điện đầu vào của EVN sẽ bị ảnh hưởng lớn, tác động mạnh đến giá bán lẻ điện đầu ra khi các nguồn điện LNG này vào vận hành.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, EVN cho rằng, để đảm bảo khả năng thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG, đảm bảo khả năng cung ứng điện cho giai đoạn sau năm 2028, EVN đề xuất tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn đối với dự án điện khí là 65%.

EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng dài hạn ở mức phù hợp trong thời gian trả nợ của dự án nhằm đảm bảo khả thi trong việc thu hút đầu tư các dự án điện khí LNG, tránh tác động mạnh lên giá bán lẻ cũng như đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng với các loại hình nguồn khác trên thị trường điện.

Leave a comment