Lãi vay mua nhà đất xuống đáy, chỉ từ 5%

https://thanhnien.vn/lai-vay-mua-nha-dat-xuong-day-chi-tu-5-185240628112713154.htm

28/06/2024 13:09 GMT+7

Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà đất xuống mức thấp đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản thời gian qua, đặc biệt vay mua nhà để ở.

Lãi suất cho vay mua nhà từ 5%/năm

Hàng loạt các ngân hàng cạnh tranh đua giảm lãi suất cho vay mua nhà đất, sửa chữa nhà cửa… trong thời gian qua khi xuất hiện nhiều nhà băng áp dụng mức lãi 5%/năm. Đơn cử Vietcombank dành 50.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, xây sửa nhà, mua xe ô tô, vay tiêu dùng… với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,9%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay dưới 24 tháng; từ 5%/năm trong 12 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 24 tháng.

Ngoài ra, Vietcombank còn dành 100.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có nhu cầu vay vốn trung dài hạn để mua, xây sửa bất động sản, vay sản xuất kinh doanh, vay mua ô tô, vay tiêu dùng với mức lãi suất cho vay cố định chỉ từ 6%/năm tại các kỳ hạn trung và dài hạn. Cụ thể, lãi suất cố định 6%/năm trong 18 tháng hay 24 tháng; 7,5%/năm cố định trong 36 tháng; 9,5%/năm trong 60 tháng.

BIDV triển khai gói tín dụng nhà ở với lãi suất hấp dẫn nhất thị trường chỉ từ 5%/năm, thời gian vay tới 30 năm, hạn mức tối đa 100% nhu cầu vốn. Từ đầu năm 2024 đến nay, Agribank đã 3 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 0,5 – 1%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 1 – 1,5%/năm so với đầu năm. Theo đó, sàn lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn của Agribank từ 5%/năm, cho vay trung dài hạn chỉ từ 7,5%/năm.

Lãi vay mua nhà đất xuống đáy, chỉ từ 5%- Ảnh 1.

Lãi suất cho vay mua nhà đất xuống đáy

NGỌC THẮNG

Không những các ngân hàng nhà nước mà cả những ngân hàng cổ phần, nước ngoài cũng đưa ra mức lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp. Chẳng hạn, BVBank áp dụng lãi suất cho vay từ 4,99%/năm trong 6 tháng vay đầu, 5,99%/năm trong 9 tháng, 6,49%/năm trong 12 tháng, 7,49%/năm trong 18 tháng và 7,9%/năm trong 24 tháng. Sacombank cung cấp gói vay ưu đãi 10.000 tỉ đồng với lãi suất chỉ từ 6,5% dành cho khách hàng có nhu cầu mua, xây, sửa chữa bất động sản; mua xe; cũng như sắm sửa các vật dụng, thiết bị cần thiết nhằm phục vụ đời sống. Trong gói tín dụng này, khách hàng có thể lựa chọn mức lãi suất cố định trong 6 tháng đầu, 12 tháng đầu, 24 tháng đầu lần lượt là 6,5%/năm, 7,0%/năm, 7,5%/năm cho nhu cầu vay mua và thế chấp chính tài sản hình thành từ vốn vay. ShinhanBank cố định lãi suất cho vay ở 6,8%/năm trong 12 tháng, 7%/năm trong 24 tháng, 7,5%/năm trong 36 tháng…

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh TP.HCM, những chuyển biến từ thị trường bất động sản những tháng gần đây và tăng trưởng tín dụng bất động sản đã phản ánh phần nào các yếu tố tác động và xu hướng tăng trưởng thời gian tới trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP.HCM. Trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản sẽ có tác động tích cực và hiệu ứng đến những ngành lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.

Tín dụng nhà ở tăng

Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh TP.HCM thông tin, tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Tháng 3 tín dụng bất động sản tăng 0,96%; tháng 4 tăng 1,15% và tháng 5 tiếp tục tăng trưởng 1,15%. Dư nợ tín dụng bất động sản đạt 992.800 tỉ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn. Tín dụng nhà ở, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Trong đó, xuất hiện điểm tích cực ở phân khúc này, khi tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại, tăng 1,2% so với tháng 4 (các tháng trước đó tăng trưởng âm).

Đây là bộ phận tín dụng chiếm tỷ trọng cao, phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, tín dụng bất động sản để phát triển hạ tầng khu chế xuất – khu công nghiệp; văn phòng cho thuê tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng và tăng trưởng cao nhất so với lĩnh vực khác. Trong đó tín dụng khu chế xuất – khu công nghiệp tăng 9,47% và tín dụng văn phòng, cao ốc tăng 11,2% so với cuối năm 2023. Mặc dù tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực này thấp so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản, song tín dụng lĩnh vực này tăng đã phản ánh xu hướng phát triển của lĩnh vực này và là yếu tố tích cực tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Nguyên nhân khiến tín dụng bất động sản tăng trưởng, theo ông Nguyễn Đức Lệnh đến từ lãi suất cho vay thấp, khả năng đáp ứng tốt nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, cũng như luật Kinh doạn bất động sản; luật Nhà ở… có hiệu lực thi hành sớm, cùng với những hành động cụ thể thông qua hoạt động của các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và những chuyển biến tích cực trên, sẽ là cơ sở, yếu tố thúc đẩy để thị trường bất động sản duy trì những điểm tích cực, tạo điều kiện để phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.

Ông Phạm Như Ánh – Tổng giám đốc MB đồng quan điểm rằng: Vừa qua, Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành cũng đang tập trung tháo gỡ vấn đề pháp lý cho bất động sản. Quá trình tháo gỡ phụ thuộc vào các luật mới như luật Đất đai, luật Nhà ở… có hiệu lực từ ngày 1.8. “Tôi nghĩ sau khi luật có hiệu lực từ 1.8 thì hàng loạt các vấn đề sẽ được tháo gỡ, hy vọng đến quý 3, 4 lĩnh vực bất động sản các dự án nhà ở sẽ được tháo gỡ, lúc đó sẽ tạo một hiệu ứng chung cho thị trường bất động sản. Từ đó người dân sẽ bắt đầu mua nhà, đổi nhà và mục đích của các ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt hơn”, ông Ánh kỳ vọng.

Leave a comment