‘Tia sáng bất động sản’ – từ khoá lợi nhuận ngân hàng 2024

https://nhadautu.vn/tia-sang-bat-dong-san–tu-khoa-loi-nhuan-ngan-hang-2024-d86890.html
N.THOAN
07:00 28/06/2024

Với đặc thù chủ yếu là tín dụng trung, dài hạn, lãi vay cao, tín dụng bất động sản khởi sắc sẽ giúp đẩy NIM ngành ngân hàng tăng trở lại.

nh-ndt

Tín dụng bất động sản được kỳ vọng khởi sắc vào nửa cuối năm 2024. Ảnh: Trọng Hiếu.

Kết quả khảo sát mới đây của Ngân hàng nhà nước cho thấy, về cơ bản, các ngân hàng lạc quan về kết quả kinh doanh năm 2024, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức.

Cụ thể, có 72,7% tổ chức tín dụng cho rằng tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc hơn trong quý II và suốt cả năm 2024. Về lợi nhuận trước thuế quý II/2024, 57,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng so với quý I/2024, trong khi 30,9% dự báo giữ nguyên và 11,8% lo ngại sẽ giảm.

Cả năm 2024, 86,2% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ tăng so với năm 2023, 10,1% lo ngại sẽ giảm và 3,7% cho rằng sẽ không thay đổi.

Theo thống kê báo cáo tài chính quý I/2024 của các ngân hàng niêm yết cho thấy có đến 10/27 nhà băng có lợi nhuận giảm, trong đó có những ngân hàng có quy mô tài sản lớn và tầm trung như Vietcombank, MB Bank, VIB, MSB, Eximbank.

CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng niêm yết năm 2024 sẽ tăng trưởng 15% so với năm trước (nhỉnh hơn mức tăng 12% của năm 2023), đạt khoảng 293.650 tỷ đồng trong giả định Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất trong năm 2024 và các ngân hàng lớn đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm.

Theo CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lợi nhuận của các ngân hàng sẽ được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính gồm: Tối ưu hóa chi phí vốn; tăng thu nhập ngoài lãi và tối ưu hóa chi phí hoạt động.

Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, NIM của ngân hàng này đã tăng từ năm 2020 đến 2023 nhưng bắt đầu giảm từ đầu năm 2024. Nguyên nhân là do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động, đặc biệt từ nửa cuối năm 2023 đến nay, trong khi cơ cấu tín dụng trung – dài hạn giảm và tín dụng ngắn hạn tăng.

Điểm sáng “bất động sản khởi sắc”

Đánh giá về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, dù kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn nhưng mới chỉ bắt đầu hồi phục. Trong khi đó, tăng trưởng của ngân hàng thường đi sau phục hồi kinh tế. Vì vậy, dự báo lợi nhuận toàn ngành ngân hàng chưa hết khó khăn cho đến cuối năm nay, tất nhiên sẽ có sự phân hoá.

“Ngân hàng được ví như huyết mạch của kinh tế. Muốn mạch máu lưu thông thì sức khoẻ của doanh nghiệp phải tốt lên. Khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp mới sẵn sàng đi vay và chi trả khoản vay”, ông Minh nói.

Động lực chính với lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024, theo ông Minh, chủ yếu vẫn tập trung vào nguồn thu nhập từ lãi trong bối cảnh thu nhập ngoài lãi không lớn và mởi chỉ dần phục hồi.

Theo đó, lợi thế sẽ thuộc về nhóm ngân hàng có tỷ lệ CASA cao, cùng với đó là khả năng đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế vào nửa cuối năm 2024, đặc biệt là tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.

“NIM hiện nay của các ngân hàng cơ bản ổn nhưng 6 tháng cuối năm sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, có một tia sáng là tín dụng bất động sản tăng trở lại. Đây là ngành chiếm tỷ trọng tín dụng rất lớn toàn ngành, chủ yếu là tín dụng trung và dài hạn, lãi vay cao. Do đó, muốn tín dụng cuối năm tăng trưởng tốt, hệ số NIM tăng trở lại cần có sự phục hồi của ngành bất động sản” ông Minh chia sẻ.

Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý rằng, sự phục hồi của nhóm bất động sản còn phụ thuộc rất nhiều vào các giải pháp đồng bộ của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án, giúp đẩy nhanh tín dụng ra nền kinh tế.

Theo thống kê, một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ CASA gồm: Techcombank có tỷ lệ CASA lên đến 40,5% trong quý I/2024, cao nhất toàn ngành. Chiến lược của ngân hàng này là tăng tỷ lệ CASA lên 55%;

MB Bank đã lùi xuống vị trí thứ 2 với tỷ lệ 36,1%; tiếp theo là Vietcombank là 33,2%; MSB vẫn duy trì vị trí thứ 4 trong Top các ngân hàng có chỉ số CASA cao nhất, đạt 29,2%; tiếp theo là TPBank với tỷ lệ CASA đạt 24,4%.

Tỷ lệ CASA cao sẽ giúp cho giá vốn ngân hàng thấp, biên lợi nhuận cao hơn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, 2 yếu tố khác có thể tác động tới lợi nhuận ngân hàng năm 2024 là thu nhập ngoài lãi và chất lượng tài sản.

Trong đó, thu nhập ngoài lãi năm 2024 đáng kể là nguồn thu từ ngoại hối khi tỷ giá trên thị trường tăng mạnh, ngân hàng nào tận dụng được cơ hội sẽ tăng thêm nguồn thu. Cùng với đó là thị trường trái phiếu doanh nghiệp có phần hồi phục, dù thanh khoản chưa phải quá tốt nhưng đã đỡ hơn hai năm 2022-2023.

Yếu tố tác động tiếp theo đến lợi nhuận ngân hàng là chất lượng tài sản. Thông tư 02 được gia hạn, đã giúp giảm phần nào áp lực nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng.

Vì vậy, nhìn ở bức tranh tổng thể, ông Minh cho rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng có động lực tăng trưởng nhưng không quá mạnh, chủ yếu là đến từ tăng trưởng tín dụng với kỳ vọng tín dụng bất động sản phục hồi về cuối năm. Tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm được dự báo sẽ khá hơn nửa đầu năm.

Ngoài ra, ông Minh cho rằng, một số ngân hàng sẽ có câu chuyện riêng liên quan tới tăng vốn, sáp nhập. Theo đó, việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu, chia cổ tức cũng giúp các ngân hàng cải thiện NIM. Cùng với đó, việc sáp nhập với các ngân hàng yếu kém cũng sẽ giúp một số ngân hàng giải quyết được vấn đề tăng trưởng tín dụng, mở room ngoại.

Leave a comment