Lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, ngân hàng vẫn huy động tiền qua trái phiếu

https://thanhnien.vn/lai-suat-tiet-kiem-o-muc-thap-ngan-hang-van-huy-dong-tien-qua-trai-phieu-185240625105849539.htm
25/06/2024 15:04 GMT+7

Các ngân hàng vẫn là những đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất thời gian qua để huy động vốn.

Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 3, tiền gửi từ dân cư vào các tổ chức tín dụng lên gần 6,7 triệu tỉ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, các ngân hàng thời gian qua vẫn tiếp tục gia tăng phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu cho thấy, trong nửa đầu tháng 6 (tính đến 14.6) có 13 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị đạt 19.117 tỉ đồng. Trong đó, có 10 đợt phát hành thuộc nhóm ngân hàng (ACB, Shinhan Việt Nam, MSB, Bac A Bank, HDBank) và 3 đợt phát hành thuộc lĩnh vực tài chính (Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư I.P.A, Home Credit Việt Nam).

Lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, ngân hàng vẫn huy động tiền qua trái phiếu- Ảnh 1.

Các ngân hàng vẫn gia tăng phát hành trái phiếu thu hút vốn

NGỌC THẮNGCòn theo báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 5 mới công bố, Công ty định mức tín nhiệm FiinRatings cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 5 tiếp tục tăng cả về số đợt và giá trị phát hành. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm ngành tổ chức tín dụng với 19 đợt phát hành trị giá 16.500 tỉ đồng, tăng 76,8% so với tháng 4. Trong đó, BIDV và Techcombank sở hữu lượng phát hành lớn nhất là 5,3 nghìn tỉ đồng và 3.000 tỉ đồng. Trái phiếu mới phát hành chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn 2 – 3 năm và 7 – 8 năm. Trái phiếu của các ngân hàng có kỳ hạn bình quân là 5 năm và lãi suất bình quân là 5,4%/năm.

FiinRatings cho rằng, tận dụng môi trường lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14 – 15% cả năm của Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Ở chiều ngược lại, Hiệp hội thị trường trái phiếu cho biết tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt 56.678 tỉ đồng, giảm 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 57,1% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 32.336 tỉ đồng).

Leave a comment