Ấn Độ ‘rót’ hơn 1,02 tỷ USD vào Việt Nam

https://nhadautu.vn/an-do-rot-hon-102-ty-usd-vao-viet-nam-d86840.html
NGUYỄN TRI
07:00 26/06/2024

Đến nay, Ấn Độ đứng thứ 25/146 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 407 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 1,02 tỷ USD. Đối với các nhà đầu tư, tập đoàn lớn của Ấn Độ, Việt Nam đã trở thành đối tác, điểm đến đầu tư quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

Tổng đầu tư trực tiếp và gián tiếp đạt 3 tỷ USD

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. HCM thông tin, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng.

Cụ thể, từ 200 triệu USD vào năm 2000 đã tăng lên 15,1 tỷ USD vào năm 2022 và 14,3 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác giữa 2 bên còn rất lớn, đặc biệt là khi nhìn vào quy mô thị trường của cả hai quốc gia.

Cũng theo Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. HCM, Godrej Việt Nam là công ty Ấn Độ đầu tiên đặt cơ sở sản xuất tại KCN Bình Dương vào năm 1994. Sau đó, nhiều tập đoàn lớn khác như: TATA, Marico, Wipro và KCP cũng đã đầu tư vào Việt Nam.

Tổng giá trị đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào Việt Nam hiện nay lên tới hơn 1 tỷ USD, con số này có thể lên tới 3 tỷ USD nếu tính đến các khoản đầu tư gián tiếp.

xuc-tien-an-do (2)

Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của Bình Định tại Hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Độ. Ảnh: Nguyễn Tri

Đặc biệt, sự gia tăng kết nối hàng không giữa Ấn Độ và Việt Nam với các đường bay thẳng giữa 5 thành phố lớn như: Delhi, Mumbai, Kolkata, Chennai và Bangalore với Hà Nội và TP. HCM đã thúc đẩy giao lưu thương mại và đầu tư giữa hai nước. Nhiều doanh nhân và nhà đầu tư Ấn Độ đang khám phá thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác

“Bản thân tôi đã có dịp đến thăm TP. Quy Nhơn nhiều lần và nhận thấy rằng nơi này có tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp lớn và nhỏ trong nhiều lĩnh vực. Lãnh sự quán Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng, CNTT, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác”, ông Madan Mohan Sethi nói.

Còn theo ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, lũy kế đến tháng 5, Việt Nam đã thu hút 40.285 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 481 tỷ USD.

Đối với các nhà đầu tư, tập đoàn lớn của Ấn Độ, Việt Nam đã trở thành đối tác, điểm đến đầu tư quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Ấn Độ hiện đứng thứ 25/146 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 407 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 1,02 tỷ USD.

xuc-tien-an-do (3)

Hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Độ tại tỉnh Bình Định thu hút 40 tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ. Ảnh: Nguyễn Tri

“Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói thêm.

Dự địa lớn, tập trung thu hút các ngành thế mạnh

Tại hội nghị Hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Độ diễn ra vào chiều 25/6 tại tỉnh Bình Định, có 5 bản ghi nhớ đã được ký kết.

Theo đó, Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm Tường Minh Bình Định và Hiệp hội Robotics Ấn Độ ký kết bản ghi nhớ trong việc nghiên cứu, phân tích về các cơ hội phát triển các nguồn lực trong lĩnh vực Robotics tại Bình Định.

Đồng thời, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tỉnh này xây dựng các chương trình liên kết, xúc tiến đầu tư, giới thiệu tỉnh đến các nhà đầu tư Ấn Độ trong lĩnh vực Robotics để khảo sát và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại địa phương.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định ký bản ghi nhớ với Hiệp hội các ngành công nghiệp quy mô nhỏ Orissa; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định ký bản ghi nhớ với Tổ chức Thương mại Kinh tế Ấn Độ IETO; Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định ký bản ghi nhớ với Hiệp hội Điều hành Tour du lịch Phật giáo; Trường Đại học Quy Nhơn ký bản ghi nhớ với Hiệp hội Robotics Ấn Độ.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, địa phương đang tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khá nhanh và hoàn chỉnh.

Đồng thời, tỉnh này cũng đang nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng Quy Nhơn; quy hoạch và bổ sung các cảng biển nước sâu quy mô lớn ở khu vực phía Bắc tỉnh; đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát để đón các chuyến bay quốc tế trong thời gian đến.

Đồng thời, Bình Định đã đầu tư nhiều Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN) và chuẩn bị nhiều quỹ đất sạch (mỗi năm chuẩn bị từ 20ha – 30ha, dọc theo các tuyến đường kết nối trục Đông – Tây, đường ven biển) để đón đầu các nhà đầu tư.

xuc-tien-an-do (1)

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Tri

Đặc biệt, nhiều KCN tại tỉnh có mức giá thuê hạ tầng từ khoảng 25 – 60 USD/m2/50 năm, thấp hơn nhiều so với một số KCN khác trên cả nước.

Hiện, các doanh nghiệp Ấn Độ hầu hết là các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn, có tiềm lực kinh tế và hoạt động trong các lĩnh vực mà Bình Định đang có nhu cầu như: Công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, dược phẩm, AI, công nghệ sinh học, công nghệ nano, viễn thông, đóng tàu và hàng không, thương mại dịch vụ, du lịch…

Vì vậy, ông Tuấn huy vọng các nhà đầu tư tiếp tục tìm hiểu, khảo sát và có thể kịp thời lựa chọn được cho mình dự án đầu tư tiềm năng tại địa phương.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận, để bắt kịp với xu thế, thời gian qua, Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư; chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng.

Lũy kế đến tháng 5/2024, Bình Định có 104 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, quan hệ hợp tác đầu tư giữa Ấn Độ với Việt Nam nói chung và với Bình Định nói riêng vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên.

Trong đó, các nhà đầu tư Ấn Độ có 4 dự án đầu tư tại Bình Định với tổng vốn đăng ký đạt 3,24 triệu USD. “Dư địa cho hợp tác đầu tư trong các ngành lĩnh vực tiềm năng còn rất lớn, đặc biệt là các lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ như: năng lượng sạch, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, y tế, nông nghiệp công nghệ cao…”, ông Trung chia sẻ.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt mục tiêu tổng quát đã đề ra trong phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực bất chấp bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế Quý I/2024 của Việt Nam cao nhất ASEAN.

Tổ chức IMF dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhất ASEAN và thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu Châu Á trong giai đoạn 2024-2029.

Leave a comment