29.000 báo cáo lừa đảo an ninh mạng, doanh nghiệp Việt muốn tăng ngân sách chuyển đổi s ố

https://nhadautu.vn/29000-bao-cao-lua-dao-an-ninh-mang-doanh-nghiep-viet-muon-tang-ngan-sach-chuyen-doi-so-d86766.html
LIÊN THƯỢNG
10:27 25/06/2024

Gần 2/3 số lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng ngân sách cho chuyển đổi số trong bối cảnh năm 2023, Việt Nam ghi nhận 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống, tăng 9,5% so với năm 2022. Riêng quý I/2024, có tới 29.000 báo cáo lừa đảo liên quan tội phạm mạng.

anninhmangvr

Những hạn chế phổ biến dẫn đến rủi ro an ninh mạng của doanh nghiệp Việt. Ảnh: VNRP

Những hạn chế khiến doanh nghiệp gặp rủi ro an ninh mạng

Số liệu thống kê chỉ ra, trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống, tăng 9,5% so với năm 2022. Chỉ tính trong quý I/2024, có tới 29.000 báo cáo lừa đảo liên quan tội phạm mạng. Các cuộc tấn công diễn ra dưới nhiều hình thức, từ đánh cắp danh tính, tấn công lừa đảo, mã hóa dữ liệu bằng mã độc, xâm phạm email, tấn công từ chối dịch vụ (DDoS)… với các mã độc tấn công được nâng cấp ngày càng tinh vi hơn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Vietnam Report đưa ra góc nhìn từ phía các doanh nghiệp trong ngành công nghệ về rủi ro an ninh mạng tăng cao thời gian qua tại Việt Nam.

Theo đó, sự lỏng lẻo trong quản lý quyền truy cập và chính sách về an ninh mạng vẫn tiếp tục là hạn chế khá phổ biến tại Việt Nam, đây được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các mối đe dọa an ninh thông tin, an toàn hệ thống ở cấp độ doanh nghiệp.

Kẻ tấn công có thể dễ dàng xâm nhập trái phép vào hệ thống nếu doanh nghiệp không quản lý chặt chẽ quyền truy cập hệ thống và dữ liệu nội bộ, phân cấp quyền và mức độ truy cập dựa trên từng loại dữ liệu và đối tượng có thể sử dụng những dữ liệu này trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là tình trạng thiếu áp dụng chính sách bảo mật rõ ràng – quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ dữ liệu, an toàn thông tin mạng vẫn xuất hiện tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này dẫn đến việc khó kiểm soát và phản ứng nhanh chóng khi có sự cố an ninh mạng xảy ra.

Không ít doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn tồn đọng những hạn chế như không thường xuyên tra soát, thiếu quy trình, kế hoạch kiểm tra và đánh giá định kỳ để sớm phát hiện các rủi ro tấn công mạng.

Cuối cùng là yếu tố con người. Nhân viên thiếu hiểu biết, không được đào tạo về an toàn thông tin, chưa chú trọng với tâm lý xem nhẹ hoặc không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của đến vấn đề bảo mật, đã và đang tồn tại, tạo ra thách thức lớn để đảm bảo an ninh mạng của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chú trọng 6 yếu tố gồm tính bảo mật, tính toàn vẹn, tính kiểm toán, tính xác thực, tính sẵn sàng, và cuối cùng là tính chống chối bỏ nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn của hệ thống thông tin.

Sự gia tăng các mối đe dọa an ninh mạng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư vào các giải pháp bảo mật tiên tiến. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang đứng trước cơ hội để chuyển mình, tăng trưởng.

Ngoài ra, nhu cầu từ thị trường quốc tế vẫn rộng mở khi chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu được dự báo duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2024 với chi tiêu cho công nghệ điện toán đám mây và AI là hai động lực chính cho tăng trưởng.

Triển vọng xuất khẩu phần mềm sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và APAC vẫn duy trì khả quan khi công tác chuyển đổi số được đẩy nhanh, trở thành xu thế tất yếu của thế giới.

Doanh nghiệp công nghệ kỳ vọng bức phá

Theo kết quả khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ của Vietnam Report, gam màu lạc quan bao phủ thị trường với 100% số doanh nghiệp đồng thuận rằng tăng trưởng vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo của ngành trong nửa cuối năm, song hành cùng sự ổn định và phục hồi của nền kinh tế vĩ mô. Trong đó, 11,1% doanh nghiệp tin tưởng vào sự bứt phá mạnh mẽ của ngành trong nửa cuối năm và 88,9% số doanh nghiệp dự báo ngành công nghệ thông tin sẽ duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng tới.

Gần 2/3 số lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng ngân sách cho chuyển đổi số trong năm nay. Cùng với đó, tầm quan trọng của an ninh mạng ngày càng được thể hiện khi sự phụ thuộc vào các hệ thống kỹ thuật số của doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng.

Sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ công nghệ là một yếu tố quan trọng khác góp phần vào triển vọng sáng của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong năm 2024. Với sự phát triển của hạ tầng số và sự phổ cập của công nghệ 5G, nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ hiện đại ngày càng tăng. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghệ cung cấp các giải pháp và dịch vụ mới, từ phần mềm quản lý, ứng dụng di động đến các dịch vụ đám mây và nền tảng IoT.

Leave a comment